Vào một ngày đẹp trời bạn phát hiện trẻ sơ sinh bị rụng tóc? Đừng quá lo lắng vì đây là một hiện tượng sinh lý rất bình thường mà bất cứ em bé nào cũng sẽ trải qua!
Tóm tắt nội dung
Tóc trẻ sơ sinh hình thành từ khi bé còn đang nằm trong bụng mẹ và phát triển dài ra cho đến thời điểm bé chào đời. Loại tóc này được mọc và nuôi dưỡng nhờ hormone có trong cơ thể mẹ. Sau khi chào đời, tóc của trẻ không còn nguồn cung cấp dinh dưỡng để phát triển. Do đó, nó tự rụng đi và thay thế bằng tóc mới.
1. Trẻ sơ sinh bị rụng tóc có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh bị rụng tóc thường gặp nhất ở giai đoạn bé từ 3 đến 6 tháng tuổi, sau đó hết dần. Trong giai đoạn này, rụng tóc là hiện tượng sinh lý bình thường, mẹ không nên quá lo lắng.
Rụng tóc chỉ trở nên bất thường nếu qua 6 tháng bé nhà bạn vẫn tiếp tục rụng tóc, lúc này bạn nên đưa bé đi khám để kiểm tra sức khỏe, đảm bảo bé không bị thiếu dinh dưỡng hay có vấn đề gì về sức khỏe hay không.
Rụng tóc hình vành khăn ở trẻ sơ sinh
Thông thường, trẻ sơ sinh bị rụng tóc thường ở 4 vùng:
- Rụng tóc trước trán: Trán thường là khu vực rụng tóc trước tiên và dễ nhận thấy. Thường tóc sẽ rụng phía trước và hai bên thái dương, nhìn giống người bị hói, sau đó có thể rụng tóc ở phần đỉnh đầu.
- Rụng tóc hình vành khăn: Tóc rụng thành từng mảng hoặc rụng từ từ tạo thành hình vành xung quanh gáy, nhìn giống như vành mũ. Rất nhiều trẻ bị rụng tóc ở vùng này.
- Rụng tóc ở thóp: Một số trẻ thường rụng tóc ở phần thóp - phần quan trọng và cũng dễ bị tổn thương nhất trong vùng đầu của trẻ. Tóc rụng ở hai vùng thóp trước và thóp sau làm cho vùng thóp có rất ít thậm chí không có tóc. Nếu con bạn bị rụng tóc phần thóp, phần thóp sẽ không được bảo vệ, do đó bạn cần phải rất cẩn thận.
- Rụng tóc trên đỉnh đầu: Tại chỗ xoáy tóc trên đỉnh đầu của bé có hiện tượng rụng tóc, tóc vùng này sẽ trở lên mỏng và thưa hơn.
2. Vì sao trẻ sơ sinh bị rụng tóc?
2.1. Quy luật rụng tóc tự nhiên
Trẻ sơ sinh bị... hói do rụng tóc
Trong tự nhiên, tóc phát triển theo quy luật mọc – rụng tóc qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn tăng trưởng: Là giai đoạn tóc bắt đầu hình thành và phát triển, giai đoạn này thường kéo dài khoảng 3 năm sau đó tóc chuyển sang giai đoạn 2
- Giai đoạn nghỉ ngơi: Đây là giai đoạn mà tóc cũ sẽ ngừng phát triển và bắt đầu rụng dần nhường chỗ cho sự tăng trưởng của những sợi tóc mới. Giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, từ 3 – 6 tháng.
Hai giai đoạn tăng trưởng và nghỉ ngơi sẽ diễn ra cùng một thời điểm, khoảng 5 – 15% lượng tóc trên da đầu sẽ ở trạng thái nghỉ ngơi.
Với trẻ sơ sinh, tóc đang trong giai đoạn tăng trưởng nhưng khi cơ thể bé không còn nhận được lượng hormone từ mẹ, cơ thể có sự thay đổi về hormone dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị rụng tóc.
2.2. Thay đổi nội tiết tố
Khi bạn bước vào tuần thứ 24 của thai kỳ thì cũng là lúc bé yêu của bạn bắt đầu mọc những sợi tóc đầu tiên. Cũng như cơ thể bé, tóc của bé có thể phát triển dài ra đều nhờ vào nguồn dinh dưỡng và hormone của người mẹ. Và khi bé chào đời, tóc của bé sẽ mất đi “nguồn sống” để có thể tiếp tục phát triển, lúc này chúng sẽ tự rụng đi.
Ngoài ra, khi bé bị sốt, lo lắng cũng có thể làm rối loạn nội tiết tố trong cơ thể cũng sẽ làm bé rụng tóc
2.3. Nằm/ tựa đầu ở cùng một vị trí trong thời gian dài
Phần lớn thời gian trẻ sơ sinh thường nằm, đầu của trẻ sẽ tiếp xúc và cọ vào gối, hay bề mặt xe đẩy. Nếu để bé nằm hay tựa đầu quá lâu ở cùng một vị trí trong thời gian dài cũng có thể làm trẻ bị rụng tóc.
2.4. Bị nấm đầu
Một số trẻ sơ sinh trên da đầu có xuất hiện những vết loang rộng, màu đỏ hoặc là những chấm đen, có hiện tượng bong tróc, rụng tóc tức là bé yêu của bạn đang bị nấm đầu.
2.5. Dị ứng dầu gội đầu
Da đầu và tóc trẻ sơ sinh rất yếu và nhạy cảm, bé rất dễ bị dị ứng. Dị ứng dầu gội đầu cũng là một trong số những nguyên nhân làm trẻ sơ sinh bị rụng tóc.
2.6. Da đầu bị “cứt trâu”
“Cứt trâu” là tên gọi dân gian để chỉ hiện tượng viêm da tiết bã rất hay gặp ở trẻ sơ sinh.
Trên da đầu của bé xuất hiện những mảng vảy có màu sắc từ nhạt đến đậm và sẽ bong dần theo thời gian và bé có thể bị rụng tóc tại những vị trí có “cứt trâu”.
2.7. Thiếu Canxi và Vitamin D
Canxi và Vitamin D là hai chất rất quan trọng trong giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ. Chúng tham gia vào quá trình hình thành và phát triển xương, răng, duy trì hoạt động cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch…
Đặc biệt Vitamin D giúp cơ thể bé có thể hấp thu Canxi và Phospho trong thức ăn dễ dàng hơn. Rụng tóc là một trong nhiều dấu hiệu cho biết có thể bé đang bị thiếu Canxi và Vitamin D.
2.8. Do bệnh lý
Trường hợp trẻ mắc chứng rụng tóc từng mảng (alopecia areata), chứng suy giảm tuyến giáp,... cũng có thể là nguyên nhân gây rụng tóc. Cha mẹ cần lưu ý!
3. Có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh bị rụng tóc không?
Cắt tóc máu cho trẻ có thể làm tổn thương vùng đầu của trẻ
Tóc máu là cách gọi dân gian để chỉ lớp tóc non của trẻ sơ sinh. Tóc máu có cấu tạo tương tự như tóc người lớn và cũng tuân theo quy luật rụng, mọc tóc.
Theo thói quen từ xưa, hầu hết các gia đình đều có truyền thống cắt tóc máu để “đốt vía” cho trẻ khỏe mạnh và giúp tóc trẻ mọc dài và đẹp hơn. Các gia đình thường tiến hành cắt tóc máu khi trẻ tròn 6 tháng tuổi hoặc sau khi thôi nôi, cá biệt có một số gia đình cắt tóc từ rất sớm để tóc dày đẹp hơn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các bác sĩ, lớp tóc máu mỏng manh của trẻ có tác dụng như lớp vỏ bọc bên ngoài giúp bảo vệ phần đầu, đặc biệt là phần thóp còn yếu và chưa liền hẳn. Khi bạn cắt tóc máu quá sớm, vô hình chung sẽ làm mất đi lớp bảo vệ, thậm chí nếu không cẩn thận bạn còn làm tổn thương vùng da đầu của bé.
Cắt tóc máu không hề có tác dụng làm tóc mọc nhanh và dày như bạn vẫn tưởng. Tóc trẻ nhiều hay ít, có suôn mượt hay không phụ thuộc vào gen di truyền và chế độ dinh dưỡng đủ chất, do đó việc cắt tóc máu là việc làm không cần thiết.
Một vài trường hợp trẻ sinh ra đã có mái tóc dày và rậm, khi đó mẹ có thể nghĩ đến việc cắt tóc máu để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và dễ vệ sinh cá nhân hơn. Tuy nhiên, khi cắt tóc cho trẻ mẹ cần phải rất cẩn thận tránh làm trẻ bị thương.
Khi cắt tóc máu, các bố các mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
- Kiểm tra thật kỹ phần thóp của trẻ
- Nên cắt tóc máu khi trẻ hơn 6 tháng tuổi
- Không cắt tóc khi trẻ có vấn đề về sức khỏe hay tâm lý
- Cắt tóc trước khi tắm tránh làm trẻ ngứa ngáy do vụn tóc còn sót lại trên người
- Cắt tóc máu cần thao tác nhanh, gọn và cẩn thận
- Không cắt tóc cho trẻ khi trẻ đang ngủ tránh làm trẻ giật mình sợ hãi. Nên chọn những lúc trẻ có tâm lý vui vẻ để cắt
- Không nên cắt tóc quá ngắn, để tóc dài ít nhất 1cm để tóc bảo vệ đầu của trẻ.
4. Trẻ sơ sinh bị rụng tóc phải làm sao?
Trẻ sơ sinh bị rụng tóc là do rất nhiều nguyên nhân, việc tìm ra được nguyên nhân tóc rụng là cách để giúp bạn có cách khắc phục hiện tượng rụng tóc trên.
4.1. Để tóc rụng tự nhiên
Với trường hợp rụng tóc sinh lý, bạn không nên quá lo lắng, việc của bạn là đợi vài tháng khi hết chu kỳ nghỉ ngơi tóc của bé sẽ hết rụng.
4.2. Tạo môi trường sống thoải mái
Nếu trẻ rụng tóc do bị ốm sốt, căng thẳng lo lắng, bạn nên chú ý tạo ra môi trường sống thoải mái giúp trẻ vui vẻ, thường xuyên ôm ấp và nói chuyện với trẻ để giúp trẻ có cảm giác an toàn, có những biện pháp giúp bé nâng cao sức khỏe tăng sức đề kháng.
4.3. Thay đổi tư thế nằm của trẻ
Tránh giữ nguyên một tư thế khi ngủ
Thay đổi tư thế nằm của trẻ, thường xuyên xoay đầu bé, không để bé nằm yên tại một vị trí hoặc để bé nằm nghiêng quá lâu.
4.4. Thay đổi dầu gội
Bạn nên sử dụng một số loại dầu gội chống nấm dùng cho trẻ sơ sinh. Nếu trẻ bị dị ứng dầu gội đầu thì bạn đổi loại dầu gội khác hoặc sử dụng các loại lá tắm tự nhiên.
4.5. Dùng dầu oliu
Với những trẻ có cứt trâu, mẹ không nên cậy cứt trâu ra khỏi da đầu bé tránh làm tổn thương. Các mẹ nên sử dụng dầu oliu, dầu dừa để làm mềm cứt trâu, gội đầu thường xuyên để cứt trâu mềm và tự bong ra.
4.6. Đi khám và chữa trị
Với trường hợp trẻ rụng tóc do gặp phải những vấn đề ở tuyến giáp, tuyến yên bạn nên đưa trẻ đi khám và điều trị sớm.
4.7. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ
Với trẻ đang trong thời gian bú mẹ, mẹ nên ăn nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm giàu Canxi để bé có thể bổ sung thêm Canxi qua sữa mẹ.
Với những trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn thêm vào khẩu phần ăn của bé những loại thực phẩm giàu Canxi hoặc bổ sung Canxi nano qua một số loại thực phẩm chức năng.
Các chất dinh dưỡng cần bổ sung khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc
- Canxi nano có kích thước phân tử siêu nhỏ, có khả năng thẩm thấu vào máu tốt hơn 200 lần Canxi thông thường, cơ thể sẽ hấp thu được lượng Canxi tối đa nhất.
- Ngoài ra, mẹ cần bổ sung Vitamin D3 để duy trì nồng độ Canxi trong máu, thúc đẩy cơ thể hấp thu Canxi từ thành ruột vào máu.
- Để Canxi đến được các bộ phận trong cơ thể, nhất là xương, mẹ cần phải bổ sung MK7. MK7 chính là Vitamin K2 tự nhiên, có công dụng đưa Canxi từ máu vào tận xương, giúp xương chắc khỏe, dẻo dai.
5. Những lưu ý khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc
Ngoài những biện pháp trên, khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc bạn cũng cần nhớ một số gạch đầu dòng nhỏ sau:
- Massage da đầu cho trẻ bằng dầu dừa và dầu oliu nhẹ nhàng trước khi gội đầu
- Khi gội đầu cho trẻ, nên vệ sinh da đầu nhẹ nhàng bằng khăn xô mềm
- Sử dụng dầu gội đầu dành riêng cho trẻ em, tuyệt đối không sử dụng dầu gội đầu của người lớn cho trẻ
- Nên dùng vải satin để lót đầu cho trẻ khi nằm
- Nâng cao dinh dưỡng cho mẹ để đảm bảo đủ sữa và sữa đủ chất cho trẻ. Nguồn sữa tốt không chỉ giúp giảm hiện tượng rụng tóc mà còn rất tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Thời gian phơi nắng tốt nhất từ 7 – 8 giờ sáng, mỗi lần phơi từ 10 – 30 phút, không nên phơi nắng quá lâu.
- Nếu qua 6 tháng trẻ vẫn chưa hết rụng tóc và kèm theo một số triệu chứng: sốt, quấy khóc, biếng ăn, khó thở… bạn nên đưa trẻ đi khám bác sỹ sớm để tìm ra nguyên nhân.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là quá trình mọc, rụng tóc tự nhiên của cơ thể. Tìm ra nguyên nhân trẻ sơ sinh bị rụng tóc sẽ giúp bạn có những điều chỉnh phù hợp để ngăn chặn hoặc làm giảm hiện tượng này.